Các nhóm địa phương của người M'nông Người_M'Nông

Dân tộc M'nông thuộc chủng Indonesian. Có tầm vóc trung bình, nước da ngăm đen, môi hơi dày, râu thưa, mắt nâu đen, tóc đen, thẳng. Một số chủng có tóc xoăn.

Ngôn ngữ M'nông thuộc ngữ tộc Môn-Khmer miền núi phía Nam. Trong vốn từ vựng M'nông bộc lộ rõ sự ảnh hưởng của tiếng Chăm, qua ngôn ngữ Ê ĐêGia Rai, là những ngôn ngữ thuộc nhóm Malay-Polynesia, bên cạnh sự ảnh hưởng sâu đậm hơn của nhóm Môn-Khmer...

Trong quá trình lịch sử phát triển tộc người của mình, do địa bàn cư trú phân tán trên một vùng rừng núi hiểm trở, việc giao lưu giữa các vùng M'nông rất khó khăn, hạn chế, đã phân chia cư dân M'nông ra rất nhiều nhóm địa phương. Nhưng các nhóm này vẫn tự nhận một tên gọi chung là M'nông.

Nhà truyền thống của người M'nông Gar ở huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk

Những nhóm địa phương của người M'nông có thể kể đến như:

  • M'nông Gar chủ yếu ở vùng Huyện Lăk, xung quanh hồ Lăk thuộc tỉnh Đăk Lăk và vùng Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng. Tiếng M'Nông Gar là ngôn ngữ gốc của dân tộc M'Nông vì ít bị hòa bởi các ngôn ngữ của các dân tộc khác.
  • M'nông Préh chủ yếu ở vùng Đăk Min, Krông Nô, Đăk Song của tỉnh Đăk Nông và huyện Lăk của tỉnh Đăk Lăk. Tiếng M'Nông Preh làm ngôn ngữ chính của dân tộc bởi vì người M'Nông Preh nói thì đa số các chủng khác đều hiểu được.
  • M'nông R'Lăm, ở huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk. Mnông R'lăm có sự hòa huyết giữa yếu tố Eđê và Mnông (Người M'Nông lai). Mnông R'lăm tập trung quanh hồ Lăk tiếp thu kỹ nghệ làm gốm của người Eđê, kiến trúc nhà sàn dài, trang phục và cả phần lớn yếu tố ngôn ngữ. Có ý kiến cho rằng do sự cộng cư với nhóm Eđê Bih người Mnông Rlam đã chuyển sang trồng lúa nước, làm gốm, dệt chiếu, ở nhà sàn dài và tiếp thu khá nhiều phong tục tập quán Eđê so với các nhóm Mnông khác.
  • M'nông Chil, cư trú trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng và huyện Lăk thuộc tỉnh Đăk Lăk.
  • M'nông Nông, ở Đăk Nông, Đăk Min tỉnh Đăk Lăk.
  • M'nông Kuênh, ở huyện Krông Pách, tỉnh Đăk Lăk.
  • M'nông Prâng, ở Đăk Nông, dăk Min, Lăk và EA Súp, tỉnh ĐăkLăk
  • M'nông Bu đâng, ở Bản Đôn, Đăk Lăk.
  • M'nông Bu Nor, ở các huyện Đăk Nông, Đăk Min, tỉnh Đăk Lăk.
  • M'nông Din Bri, ở vùng tả ngạn sông EA Krông, tỉnh Đăk Lăk
  • M'nông Đíp, ở tỉnh Bình Phước và Đăk Lăk.
  • M'nông Bíat, ở tỉnh Bình Phước và bên kia biên giới Campuchia-Việt Nam.
  • M'nông Bu Dêh, ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Dăk Lăk.
  • M'nông Si Tô, ở Đăk Song, tỉnh Đăk Nông.
  • M'nông káh, ở các huyện Lăk, Đăk Nông, M'Drăk, tỉnh Đăk Lăk.
  • M'nông Phê Dâm, ở vùng Quảng Tin, huyện Đăk Nông, tỉnh Đăk Lăk

Ngoài ra, còn có một số nhóm địa phương khác của người M'nông như: M'nông Rơ Đe, M'nông R'ông, M'nông K'Ziêng... cư trú ở Campuchia.

Do có nhiều nhóm địa phương như vậy, nên cộng đồng dân tộc M'nông có nhiều phương ngữ, nhưng chủ yếu là phương ngữ M'nông miền Đông và phương ngữ M'nông miền Tây; Sự khác nhau giữa các phương ngữ đó là không đáng kể; Giữa các phương ngữ đó đều dễ dàng nghe và hiểu tiếng nói của nhau.